Giỏ hàng

10 lợi ích bất ngờ khi trẻ con khóc lóc

Bạn luôn cảm thấy khó chịu, mệt mỏi khi con bạn rất dễ khóc, hay khóc nhưng bạn có biết các bé lứa tuổi mầm non hoàn toàn khỏe mạnh và phát triển tốt hơn sau khi … khóc? Dưới đây là 10 lợi ích bất ngờ từ việc trẻ khóc được các chuyên gia chỉ ra.

 1. Trẻ con khóc để xả stress

Nước mắt chứa cortisol, một stress hoóc môn.

Khi chúng ta khóc, thực tế là chúng ta đang ‘xả’ stress ra khỏi cơ thể theo đúng nghĩa đen. Khoa học đã chứng minh nước mắt có thể làm huyết áp giảm, đem lại cảm giác nhẹ nhàng hơn sau khi khóc.

Bạn có thể thấy khi con ở ranh giới của một cơn giận, không gì có thể làm cho bé hài lòng. Bé buồn bực, rên rỉ, vô cùng ‘mong manh dễ vỡ’.

Bạn cũng có thể thấy, sau khi khóc xong, tâm trạng của bé được cải thiện hơn lúc trước rất nhiều.

Vì vậy, cha mẹ đừng cố gắng ngăn chặn quá trình khóc lóc của bé. Hãy để bé đi đến cùng trạng thái cảm xúc tiêu cực, vì ‘sau cơn mưa trời sẽ sáng’.

‘Khóc không phải là điều gì đau đớn, nó chỉ là quá trình để giải tỏa nỗi đau’ – Tiến sĩ tâm lý Deborah MacNamara (Mỹ) khẳng định.

 2. Khóc lóc giúp trẻ học hỏi

Bạn hẳn đã vài lần nhìn thấy bọn trẻ chơi đồ chơi và òa khóc vì… thất bại. Tuy nhiên, sau cơn khóc lóc, nếu cha mẹ vẫn giữ thái độ bình thản, trẻ sẽ ngồi xuống, tự mày mò và hoàn thành trò chơi.

Khi trẻ đang tìm tòi, bầy tỏ cảm xúc tiêu cực (bằng cách khóc lóc) là một phần của quá trình làm cho tâm trí thoải mái. Sau đó, trẻ sẽ vui vẻ để học hỏi một điều mới.

Chắc chắn sau khi khóc bé sẽ ngủ ngon hơn! 

‘Học hỏi tự nhiên như là viện trẻ hít thở’ - Patty Wipfler, người sáng lập của tổ chức ‘Cha mẹ tay trong tay’ nhận xét - ‘Khi trẻ không thể tập trung hoặc nghe, thông thường sẽ gây ra cảm xúc ức chế khiến bé không thể học hỏi’.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, để học hỏi, trẻ phải cảm thấy hạnh phúc và thư giãn. Thể hiện cảm xúc thất vọng (khóc) chính là một phần của tiến trình đó.

 3. ‘Mít ướt’ giúp trẻ ngủ ngon

Các vấn đề về giấc ngủ thường xảy ra vì bố mẹ nghĩ cách tiếp cận tốt nhất với sự cáu giận của con là cố gắng né tránh.

Hậu quả là, những cảm xúc dồn nén của đứa trẻ vẫn ám ảnh khi não của bé nghỉ ngơi. Giống như người lớn, trẻ em cũng thức dậy bởi vì chúng bị căng thẳng hoặc đang cố gắng giải quyết những việc xảy ra trong cuộc sống.

Cho phép con của bạn thoải mái bộc lộ tình cảm, kể cả là giận dữ, sẽ giúp cải thiện tình cảm của bé và giúp bé ngủ suốt đêm.

 4. Bạn nói 'không', và đó là một điều tốt

Rất có thể cơn cáu giận của bé là bởi vì bạn đã nói 'không'. Và đó là một điều tốt!

Nói 'không' trong một số tình huống giúp cho con bạn nhận thức rõ ranh giới về hành vi chấp nhận được và không thể chấp nhận.

Đôi khi chúng ta tránh nói 'không' bởi vì chúng ta không muốn đối phó với cơn ‘ăn vạ’ của trẻ. Yêu thương, ôm ấp và dịu dàng với bé nhưng đừng phá vỡ những nguyên tắc tối thiểu!

Dứt khoát nói 'không' có nghĩa là bạn chấp nhận sự lộn xộn, khóc lóc như là ‘một phần tất yếu của cuộc sống’ có con nhỏ.

Trẻ khóc đôi khi còn tốt hơn là bé mang nỗi buồn trong lòng

 5. Trẻ cảm thấy an toàn hơn khi được bầy tỏ cảm xúc

Cơn giận dữ của bé thực ra là một lời khen ngợi lớn, ngay cả khi bạn không cảm thấy điều đó.

Trong hầu hết các trường hợp, trẻ em không sử dụng giận dữ để thao túng cha mẹ hoặc có được những gì chúng muốn. Thường thì bé chỉ khóc khi cha mẹ nói ‘không’ và đó là cách để bé thể hiện nỗi buồn, sự thất vọng…

Bạn cần ‘vững vàng’ với quyết định ‘nói không’ của mình, đồng thời tỏ ra thật thông cảm với nỗi buồn của con.

Đây là cách cha mẹ thông minh dạy con trưởng thành đồng thời vẫn bầy tỏ tình yêu và sự kết nối mà con thực sự cần.

 6. Cơn giận giúp trẻ gần với cha mẹ hơn

Điều này có vẻ hơi khó tin, nhưng hãy quan sát và chờ đợi, bạn sẽ cảm nhận được.

Bạn có thể cảm thấy không thoải mái chút nào khi con nằm lăn ra đất, khóc lóc ăn vạ. Nhưng đừng cố gắng ngăn cản cơn giận dỗi này.

Không cần nói nhiều, bạn chỉ cần vài lời an ủi, ôm bé vào lòng là đủ để xoa dịu bé. Chắc chắn bé sẽ cảm thấy gần gũi hơn với cha mẹ sau những cử chỉ yêu thương đó.

Trẻ cần sống thật với cảm xúc của mình, khi buồn cũng như lúc vui 

 7. Giận dỗi có ích với quá trình hoàn thiện tính cách lâu dài của trẻ

Đôi khi những cảm xúc của trẻ em thể hiện theo những cách khác với khóc lóc, chẳng hạn như gây hấn, lỳ lợm, từ chối làm những việc đơn giản như mặc quần áo hoặc đánh răng.

Đây là những dấu hiệu phổ biến chứng tỏ con của bạn đang phải vật lộn với cảm xúc của mình. Có một cơn cáu giận lớn sẽ giúp con bạn giải phóng những cảm xúc đó.

Sau đó bé sẽ trở về bản tính vui vẻ, dễ hợp tác của trẻ thơ.

 8. Nếu trẻ khóc nhiều ở nhà, sẽ ít ăn vạ ở chỗ công cộng

Nếu trẻ muốn bầy tỏ đầy đủ những xúc cảm của bé, bé thường sẽ thể hiện ở nhà – nơi bé cảm thấy an toàn và có khả năng được lắng nghe nhiều hơn.

‘Chúng ta càng dành nhiều thời gian và không gian để lắng nghe những cảm xúc của trẻ trong gia đình, chúng ta càng giảm bớt sự căng thẳng mà trẻ phải gánh chịu’ - Michelle Pate, nhà tổ chức tại 'Cha mẹ tay trong tay' (Mỹ) nhìn nhận.

Nếu ngay tại nhà mà trẻ vẫn phải giữ những cảm xúc tiêu cực trong lòng thì nhiều khả năng là bé sẽ ‘bùng nổ’ ở nơi công cộng. Hoặc tồi tệ hơn là bé sẽ phải mang những gánh nặng tâm lý kéo dài.

 9. Trẻ đang làm điều mà nhiều người lớn phải ghen tị

Khi con lớn lên, bé sẽ khóc ít hơn. Đây một phần là biểu hiện của sự trưởng thành và học tập để điều chỉnh cảm xúc của mình; một phần là học cách hòa nhập vào một xã hội không chấp nhận biểu hiện cảm xúc.

Khi chúng ta trưởng thành, nếu quá giận dữ, căng thẳng hoặc cảm thấy mất mát, thường thì chúng ta cũng cần khóc! Nhưng thật khó cho người lớn, đặc biệt là nam giới, để tìm ra cảm giác an toàn để thực sự buông bỏ những cảm xúc của mình.

Vì vậy hãy để con bạn có được sự ‘tự do giận dỗi’ khi mà lứa tuổi của con vẫn còn cho phép điều đó.

10. Trẻ khóc lóc cũng giúp ích cho cả… cha mẹ

Khi bạn chứng kiến con khóc lóc, sẽ có rất nhiều cảm xúc trong bạn. Có thể bạn sẽ nhớ lại khi còn nhỏ, có những lúc bạn không được lắng nghe đúng mức.

Nỗi buồn của những đứa trẻ có thể nhắc nhớ lại cách mà cha mẹ chúng đã được nuôi dậy, đôi khi là vô thức.

Cha mẹ vì thế có thể vượt qua những nỗi buồn trong quá khứ khi chúng ta tìm cách an ủi, hỗ trợ, lắng nghe những đứa trẻ - và qua đó lắng nghe chính tâm trạng của mình.

Sau những giây phút chia sẻ cảm xúc của con, hãy dành thời gian để chăm sóc chính bạn. Hãy trò chuyện với bạn bè, vui đùa hoặc cũng có thể là… khóc.

Để trở nên bình tĩnh cần sự luyện tập, nhưng khi chúng ta luyện tập cho con, chúng ta cũng đang tự luyện tập để bản thân mình trở nên bình an, tĩnh tại hơn.

 Bài viết của Kate Orson, người hướng dẫn kỹ năng làm cha mẹ tại Basel, Thụy Sĩ. Bà cũng là tác giả cuốn sách: ‘Giải pháp với nước mắt: Làm cách nào để lắng nghe trẻ’.

 

Danh mục tin tức

Từ khóa

Facebook Youtube Twitter Linkedin Top