Giỏ hàng

8 trí thông minh của trẻ theo học thuyết của Howard Gardner

Trong nhiều năm qua, người ta vẫn sử dụng các bài kiểm tra IQ để đo chỉ số thông minh. Bài kiểm tra này tốt trong nhiều trường hợp nhưng chưa phải là hoàn hảo khi đánh giá khả năng của một con người. Những nghiên cứu áp dụng với người lớn và trẻ em và học thuyết về Trí Thông minh Đa dạng của Howard Gardner đã giúp chúng ta khám phá ra nhiều điều thú vị về bản thân và những người xung quanh. Học thuyết cho rằng có 8 loại hình thông minh- 8 cách để trở nên tài giỏi (có thể có nhiều loại trí thông minh khác nữa, và cần có thêm thời gian để chúng ta khám phá tiếp).

Theo đó, cha mẹ đừng vội vàng đánh giá con mình có thông minh hay không, hãy theo dõi con và hãy xem con đang có trí thông mình nào trong 8 trí thông minh dưới đây để từ đó hỗ trợ cho con phát triển tốt nhất nhé!

1. Trí thông minh ngôn ngữ
- Trẻ có thể học tập thông qua ngôn ngữ, lời nói
- Nhạy cảm với ngữ nghĩa, nhịp điệu, âm thanh của các từ
- Bé thích thú với việc kể chuyện và viết lách.
- Thích đọc, thơ ca, truyện cười và thích thú khi chơi với các trò đố chữ, giải đáp các câu đố.
 Cha mẹ nên làm gì?
- Hãy cùng đọc với con của bạn
- Hãy lắng nghe con của bạn một cách chăm chú về những câu hỏi, những trải nghiệm của chúng
- Khuyến khích con bạn kể cho bạn nghe những câu chuyện mà chúng vừa đọc hoặc chia sẻ với bạn.
- Cho trẻ cơ hội đọc sách và thường đưa trẻ đến nhà sách.
- Cho trẻ tham gia viết báo tường của lớp.

2. Trí thông minh suy luận, tư duy
- Trẻ có thể học tập thông qua phân tích logic, toán học (logical)
- Thích chơi các trò chơi liên quan đến các con số, trò chơi ghép hình, làm các thử nghiệm.
- Có kỹ năng lập luận tốt và biết đặt các câu hỏi có tính logic.
- Thích các trật tự và những chỉ dẫn tuần tự từng bước.
Cha mẹ nên làm gì?
- Hãy để cho trẻ được làm các thí nghiệm/ thử nghiệm
- Chỉ cho con bạn cách sử dụng máy tính (calculator) máy tính bảng ( với trẻ trên 5 tuổi )
- Chơi các loại cờ như cờ vua, cờ tướng, carô, …
- Yêu cầu trẻ giải các bài toán mẫu cho lớp xem.
- Hãy giải thích cho trẻ hiểu rằng những sự vật mà chúng quan sát được có thể sắp xếp theo nhóm về màu sắc, hình dáng hay các đặc điểm khác.
- Hãy cùng bé chơi trò chơi xếp đồ vật thành các nhóm có đặc tính tương tự nhau và cụ thể hóa bằng cách giúp bé tạo ra những đồ thị, vẽ trên giấy hình ảnh các món vật dụng đó. Tiến xa hơn nữa, bạn hãy cùng trẻ thảo luận về nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau đó.

3. Trí thông minh không gian, thị giác
- Trẻ có thể học tập thông qua thị giác, hình ảnh (visual)
- Thích tạo ra các hoa văn, hình vẽ và cần có sự kích thích về thị giác
- Hay mơ mộng
- Có năng khiếu về nghệ thuật
Cha mẹ nên làm gì?
- Hướng dẫn trẻ tập quan sát các hiện tượng xung quanh từ những sự vật đơn giản như những bông hoa mọc sau vườn khi bạn đi dạo cùng chúng hay những đồ chơi khi thả trong bồn tắm sẽ nổi hay chìm.
- Hãy khuyến khích trẻ sử dụng hết các giác quan khi quan sát sự vật cũng như đứng từ nhiều góc độ khác nhau, khoảng cách để quan sát chúng. Sau đó, bạn hãy đưa ra những câu hỏi: Con thấy nó màu gì, nó có mùi gì, nó kêu như thế nào?

4. Trí thông minh âm nhạc, thính giác
- Bé là người có thể học tập thông qua âm nhạc (musical)
- Thích chơi các nhạc cụ, thích hát hò, gõ trống
- Thích các âm thanh như giọng nói, âm thanh tự nhiên, âm thanh từ nhạc cụ
- Học dễ dàng hơn nếu có bật nhạc hoặc có các vật gì đó gõ nhịp, nhớ bài học tốt hơn nếu được nghe và được học bằng việc đọc thành lời.
Cha mẹ nên làm gì?
- Cho phép con bạn lựa chọn các bản nhạc tại cửa hàng bán băng đĩa nhạc
- Khuyến khích trẻ hát theo hoặc vỗ tay theo nhịp điệu một bản nhạc.
- Nếu có thể, cho trẻ tham gia vào các buổi học âm nhạc.
- Cho trẻ có cơ hội được đi tham dự các buổi trình diễn âm nhạc hay hòa nhạc.
- Cho trẻ cùng tham gia và hướng dẫn các bạn trong lớp hát một bài, hoặc tham gia đội văn nghệ.

5. Trí thông minh vận động
- Trẻ có thể học tập thông qua vận động (physical)
- Bé khỏe mạnh và năng động.
- Thích đóng kịch, khiêu vũ, thể hiện bản thân với những hành động và chuyển động của cơ thể. 
- Học tập thông qua các chuyển động của cơ thể và thông qua việc chạm vào và cảm giác về sự vật. 
- Sử dụng các chuyển động, cử chỉ, điệu bộ và các biểu hiện cơ thể để học hỏi và giải quyết vấn đề. 
Cha mẹ nên làm gì?
- Cho trẻ tham gia vào các hoạt động khiêu vũ, đóng kịch, thể thao.
- Cung cấp các hoạt động thực nghiệm lôi cuốn. 
- Đi bộ, chạy bộ, chơi tennis, đạp xe,…cùng gia đình.
- Giáo viên thể dục có thể nhờ trẻ làm các động tác thể dục mẫu cho cả lớp.

6. Trí thông minh tương tác
- Trẻ có thể học tập thông qua hoạt động hướng ngoại (extrovert)
- Trẻ là người thích giao tiếp xã hội.
- Có thể “đọc” được các cảm xúc và cách cư xử của người khác. 
- Là nhà lãnh đạo xuất sắc và thích tham gia đội nhóm. 
- Có thể giúp đỡ bạn cùng tuổi và làm việc hợp tác với những người khác.
Cha mẹ nên làm gì?
- Chơi những trò chơi gia đình.
- Khuyến khích con bạn tham gia vào các hoạt động nhóm.
- Khuyến khích thảo luận và giải quyết vấn đề.
- Giao cho trẻ vai trò quản lý nhóm khi chia nhóm học tập trong lớp. 

7. Trí thông minh nội tâm
- Trẻ có thể học tập thông qua hoạt động hướng nội (introvert)
- Thích làm việc độc lập 
- Biết tự động viên, khuyến khích bản thân và thích các hoạt động một mình. 
- Thường tách ra và không đi theo xu hướng của đám đông.
- Có khả năng hiểu cảm xúc, động lực và tâm trạng của mình.
Cha mẹ nên làm gì?
- Cho trẻ có thời gian làm việc và chơi một mình. 
- Yêu cầu trẻ hãy tạo ra vài thứ gì đó cho toàn gia đình để trẻ có cơ hội làm việc mình thích. 
- Khuyến khích trẻ lưu giữ nhật ký hoặc các ghi chép hàng ngày. 

8. Trí thông minh tự nhiên
- Trẻ có thể học tập thông qua hoạt động thực tế (existential).
- Thích quan sát, tò mò về các hiện tượng xung quanh
- Thích thử nghiệm các hoạt động mới mẻ.
- Có khả năng thích ứng tốt với những môi trường khác nhau
Cha mẹ nên làm gì?
- Mở rộng hiểu biết về các hiện tượng khoa học cho trẻ bằng cách quan sát những hiện tượng tương tự như thế trong cuộc sống và trong tự nhiên. 
- Bạn hãy giúp trẻ lặp lại những thí nghiệm nhưng thay đổi đi các yếu tố tác động, ví dụ như bạn hãy cho trẻ quan sát cây sẽ phát triển ra sao dưới ánh sáng của bóng đèn điện? 
- Trước khi thay đổi các điều kiện tác động đó thì bạn hãy hướng dẫn trẻ tập phán đoán trước điều gì sẽ xảy ra trước khi thử nghiệm.
Với những năng lực rất cơ bản này, bạn hãy theo dõi xem trẻ có thích những chủ đề mà bạn hương dẫn không? Thường xuyên đọc sách báo về khoa học để cho trẻ được tìm hiểu thêm những lĩnh vực mà chúng quan tâm, có thể giúp trẻ phát triển trí thông minh theo đúng thế mạnh của chúng.  

Để nhận biết và phát triển năng khiếu của trẻ, trước tiên, các bậc cha mẹ phải nắm vững đặc điểm và biểu hiện của mỗi loại trí thông minh để quan sát và áp dụng vào trẻ. Hãy để trẻ phát triển tự nhiên chứ không bắt buộc phải “gò ép” một loại trí thông minh nào đó theo yêu cầu của cha mẹ. Mỗi đứa trẻ đều có những năng khiếu nhất định và hoàn toàn có thể dẫn đầu trong lĩnh vực trí thông minh của mình. Việc phát hiện sớm bé sở hữu loại hình trí thông minh nào có thể giúp con định hướng đúng và thành công trong tương lai.

 

 

Danh mục tin tức

Từ khóa

Facebook Youtube Twitter Linkedin Top