Cần dạy trẻ những điều này để phòng tránh xâm hại!
Xâm hại trẻ em là vấn nạn vô cùng nhức nhối trong xã hội hiện nay. Với mỗi một trường hợp trở thành nạn thân của sự đồi bại, không ai trong chúng ta không khỏi phẫn nộ, quặn long đau xót. Chỉ cần một vài phút lơ là, con trẻ của chúng ta sẽ dễ dàng trở thành nạn nhân. Vậy để giúp trẻ phòng tránh xâm hại bằng cách nào? Ngay từ bây giờ cha mẹ cần nắm vững những điều dưới đây!
1. 3 bước dạy trẻ an toàn
Bước 1: Ngay từ 3 tuổi, cha mẹ nên bắt đầu dạy trẻ về những phần thân thể riêng tư, không ai được đụng vào. Dạy trẻ cách nói lên những phần “riêng tư” đó, để khi trẻ bị lạm dụng vào những phần đó, trẻ biết kể chính xác về vị trí đó. HOẶC ai đó (dù người lạ/quen) chạm vào những chỗ đó, trẻ biết cách nói “KHÔNG, CON KHÔNG THÍCH BÁC CHẠM VÀO …, PHẦN NÀY CỦA CON MÀ”.
Hãy dạy trẻ cách phản ứng “KHÔNG”, nói lớn điều này khi ai đó làm chuyện không hay, dù đó là đang đùa giỡn.
Việc nói lớn “KHÔNG” cũng giúp cha mẹ/người lớn xung quanh có thể hiểu tình huống để bảo vệ bé. Việc dạy bé nói lớn “Không” như 1 phản xạ ai đó làm xấu với bé, cũng giúp bé không mang nỗi lo lắng 1 mình, giúp bé tránh bị đe dọa hoặc dụ dỗ bởi người đang lạm dụng đó. Việc nói lớn “Không” cũng làm kẻ lạm dụng ngại và ngừng hành động của hắn. Cha mẹ cũng nên dạy bé rằng: Chỉ trong trường hợp bé đi khám bệnh, Bác sĩ/chuyên gia y tế có thể chạm bé nhưng đó là để thăm khám bé, và luôn có ba mẹ bên cạnh.
Bước 2: Sau khi bé nói lớn “KHÔNG” ở trên. Bạn dạy bé cách bỏ chạy về phía 1 người lớn khác.
Bước 3: Dạy trẻ kể chính xác ai đó chạm vào vị trí nào. Việc dạy cách nói chính xác vùng riêng tư của trẻ sẽ giúp trẻ kể chính xác.
2. Nguyên tắc cần tuân thủ trong gia đình
Cha mẹ cần xây dựng một số quy định trong gia đình và yêu cầu trẻ thực hiện nghiêm túc:
- Khi muốn đi đâu, trẻ cần phải báo hoặc xin phép cha mẹ.
- Trong khi trẻ chờ cha mẹ đến đón ở trường, cha mẹ và trẻ cần quy ước với nhau trước. Ví dụ: nếu cha mẹ nhờ ai đó đón hộ thì phải có mật mã hoặc nhờ người đón hộ gọi điện về cho cha mẹ. Điều này sẽ giúp trẻ ngăn ngừa tình trạng có kẻ giả danh người đón hộ.
- Với trẻ lớn hơn, trẻ cần thuộc các số điện thoại của người thân thiết trong gia đình như bố, mẹ, ông, bà.Trong trường hợp cần thiết, trẻ phải tìm cách liên lạc ngay với người thân để có thể được trợ giúp, có thể nhờ người lớn mà trẻ tin cậy gọi điện cho bố mẹ, ông bà.
- Trẻ không được phép đi một mình khi trời tối hoặc đường vắng.
- Không nhận quà của người lạ, không cho người lạ vào nhà.
Những điều trên rất cần thiết cho trẻ đặc biệt là trẻ dưới 7 tuổi vì lúc này trẻ đang bắt đầu hình thành ý thức cha mẹ nhé!